Bầu bí: Siêu âm thôi chưa đủ

Bầu bí: Siêu âm thôi chưa đủ

Friday, 18/12/2020

Siêu âm là một trong những bước khám thai thông dụng và đóng vai trò quan trọng trong quản lý thai kỳ, giúp thầy thuốc có thể kiểm soát những bước phát triển thai và chính người mẹ cũng có thể nhìn thấy con trước khi đứa bé ra đời. Kỹ thuật chẩn đoán này ngày càng phát triển, cung cấp cho người mẹ và bác sĩ (BS) nhiều thông tin về đứa trẻ, thậm chí còn có cả siêu âm 3D, 4D cho phép cha mẹ nhìn và lưu giữ những hình ảnh khá chân thực, rõ nét về đứa con trong bụng.

Dễ bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm

Ngày nay, với hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân mở rộng, thai phụ có nhiều lựa chọn hơn trong việc khám thai. Không ít bà bầu bận rộn hoặc thiếu kiến thức chỉ đi siêu âm theo kiểu dịch vụ thay vì quản lý thai theo quy trình tại một cơ sở y tế. “Nhìn thấy con khỏe là đủ”, tâm lý đó đã khiến nhiều thai phụ đi khám thai “nửa vời” và bỏ sót nhiều nguy cơ, trong đó có những yếu tố có thể gây ra tai biến sản khoa bất ngờ.

Theo BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), không thể phủ nhận siêu âm đóng vai trò rất lớn trong quản lý thai. “Thai phụ nên đi khám thai sau khi trễ kinh khoảng 3 tuần và xác định dấu hiệu có thai bằng que thử. Giai đoạn này, siêu âm sẽ giúp xác định tình trạng có thai, vị trí, số lượng thai, thai có sự sống hay không, một số bất thường ở tử cung, phần phụ, tính toán tuổi thai và ngày dự sinh… Ở các lần khám thai sau, siêu âm cũng giúp đánh giá tình trạng tuần hoàn và sự phát triển của em bé, lượng nước ối, vị trí bánh nhau… Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề khác liên quan đến thai kỳ, như bệnh lý tim mạch, đường hô hấp, nội tiết, rối loạn đông máu, bệnh lý gan (nhất là viêm gan)… ở thai phụ phải cần thêm những bước thăm khám khác ngoài siêu âm mới phát hiện được” - BS Hải cho biết.

Bầu bí: Siêu âm thôi chưa đủ - 1
Khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, lưu ý 2 bệnh lý “nổi cộm” của các bà bầu thời nay là tiểu đường thai kỳ và cao huyết áp thai kỳ - vốn cần các bước đo huyết áp, xét nghiệm cụ thể mới có thể phát hiện được. Theo nhiều BS chuyên khoa, cả 2 bệnh lý này đều rất nguy hiểm đối với thai phụ.

Tiểu đường thai kỳ khiến nguy cơ sản giật và tiền sản giật tăng lên 4 lần, nhiễm trùng dễ xảy ra và thường nặng hơn, nguy cơ sang chấn lúc sinh vì thai to, tỉ lệ phải mổ lấy thai cao, tăng nguy cơ rối loạn tuần hoàn và hô hấp do đa ối và thai to, em bé sinh ra “quá cỡ”, dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa hiện tại và về sau…


Quản lý thai phải liền lạcTheo thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ đến thăm khám có khi tăng đến 20% trong những năm qua. Còn cao huyết áp thai kỳ (tiền sản giật) dễ gây ra sản giật, nếu không được phát hiện và dự phòng lại là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong và để lại di chứng.

BS Hải cho rằng trong suốt tiến trình quản lý thai, sự theo dõi, đánh giá tình trạng của thai và thai phụ một cách liền lạc là rất quan trọng. Do vậy, nếu như một số thai phụ chỉ đơn thuần khám thai bằng cách nay đi siêu âm chỗ này, mai siêu âm chỗ nọ để biết tình trạng hiện thời của con rồi thôi thì chắc chắn là không ổn. Vì vậy, dù do điều kiện thời gian hay các lý do khác mà đi khám thai ở nhiều nơi, thai phụ cũng nên giữ lại đầy đủ các kết quả thăm khám trước đó để BS có thể đánh giá đúng sự phát triển của thai cũng như cần thực hiện đầy đủ các bước khám sức khỏe của mẹ và bé, tái khám theo chỉ định.

Một số bà mẹ lại lo lắng sóng siêu âm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên không siêu âm. Như vậy cũng không tốt vì siêu âm đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo khoa học nào chứng minh sóng siêu âm tác động xấu đến thai. Do vậy, thai phụ nên yên tâm tuân theo chỉ định của BS.

BS Hải lưu ý ngày nay, các kỹ thuật siêu âm 3D, 4D cho hình ảnh em bé khá rõ ràng, giúp nhiều phụ huynh cảm thấy yên tâm nên họ bỏ qua những bước khám thai khác. Thực ra, hình ảnh mà thai phụ nhận được là một hình dựng dựa vào các mặt cắt của hình ảnh siêu âm. Nó không thể thay thế được các bước khám thai và tầm soát trước sinh khác. Đặc biệt, nhóm thai phụ có nguy cơ như người trên 40 tuổi, mắc một số bệnh lý… nên thực hiện tầm soát theo đúng quy trình và khuyến cáo, chứ siêu âm 4D cũng như siêu âm thường chỉ phát hiện được các khiếm khuyết lớn về hình thể của em bé, không thể phát hiện tất cả dị tật.

 

Khám thai đủ các bước, ít nhất 3 lần

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, thai phụ nên đi khám thai ít nhất 3 lần (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối). Khi khám thai, ngoài siêu âm còn có rất nhiều bước, như khám bằng tay, nghe tim thai, kiểm tra sức khỏe của mẹ, đánh giá của BS, tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, tập luyện, hướng dẫn và dự phòng khi có các dấu hiệu nguy cơ, chủng ngừa, tầm soát các bệnh lý nội tiết, tim mạch, huyết áp, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, viêm gan… Thai phụ nên tuân thủ để có một thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé.

 

Nguồn eva

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: