-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bí kíp dạy con nghe lời 'đỉnh của đỉnh'
Friday, 18/12/2020
Tôi chưa từng đọc bất kỳ cuốn sách nuôi dạy con nào. Và tôi biết, điều này xem ra có chút lạ khi một gã như tôi đã dành gần hết cuộc đời để nói và viết về cách làm cha mẹ.
Tất cả những 'bí kíp' tôi có được để nuôi dạy con, đều do quan sát, kinh nghiệm thực tế và trò chuyện với chuyên gia. Tôi sẽ 'chắt lọc' thông tin mình có, xác định xem phương pháp nào tốt và phương pháp nào có vấn đề nếu áp dụng với tụi nhóc nhà tôi. Tôi đã dành 24 năm để tìm ra cách hiểu con và tôi nhận ra rằng để trở thành cha mẹ tốt, bạn cần nói chuyện, chia sẻ nhiều với con. Nếu bạn có thể làm điều đó thường xuyên, việc làm cha mẹ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khi tụi trẻ càng lớn, chúng sẽ có nhiều bí mật muốn giấu cha mẹ hơn. Do đó, việc trò chuyện với chúng trở lên khó khăn hơn, chắc chắn thế?! Bởi vậy, tôi có 3 lời khuyên - được đúc kết từ chính kinh nghiệm nuôi dạy con của mình và đã thành công - mách bạn.
1. Đợi…
Không cần phản ứng lại mọi lời con nói, mọi việc con làm ngay lập tức. Hãy chậm lại và suy nghĩ. Đừng để sự nóng giận kiểm soát hành vi khiến bạn mất tự chủ mà nói những câu xúc phạm đến lòng tự tôn của con.
Tự dành cho mình chút thời gian để suy nghĩ. Có thể là 1 phút, 2 phút… hay 5 phút… hoặc 1 giờ, 2 giờ… Thậm chí là vài ngày. Điều quan trọng là bạn nên đưa ra những chủ đề mở để lũ trẻ và bạn khi nói chuyện sẽ cảm thấy thoải mái.
Với trẻ nhỏ, nếu chúng hư bướng, bạn có thể yêu cầu chúng cùng vào phòng ngay để nói chuyện riêng và điều chỉnh hành vi của chúng. Tất nhiên, chỉ nên làm điều này khi bạn đang bình tĩnh. Nhưng với trẻ vị thành niên thì cách làm này không có tác dụng. Chúng sẵn sàng ‘xù lông nhím’ và cự lại lời bạn. Vì thế, cách khôn ngoan là hãy ‘đợi’ đến khi sự bực tức lắng xuống và bắt đầu câu chuyện. Đó là lý do vì sao tôi thường nói với con rằng: “Cách nói chuyện của con khiến bố không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này đâu. Nhưng yên tâm! Bố sẽ không quát mắng hay phạt con. Bố muốn con hãy về phòng và suy nghĩ kỹ về chuyện này và chiều nay chúng ta sẽ bắt đầu nói chuyện lại”.
Trẻ luôn muốn mình được tôn trọng, được lắng nghe và có quyền tự chủ ngay cả khi chúng không thể hiện rõ điều đó. Bởi vậy, nếu bạn mở đầu câu chuyện một cách nhẹ nhàng thì không có lý do gì trẻ lại phản kháng.
Dạy con cần sự kiên nhẫn (Ảnh minh họa).
2. Nguyên tắc 30 giây
Hãy ngừng thuyết giáo.
Và khi bạn thấy cần phải thuyết giáo thì hãy làm điều đó trong vòng 30 giây.
Trẻ em ghét bị ‘cầm tay chỉ việc’ và thuyết giáo. Nhưng tôi cá rằng hầu hết các bậc phụ huynh đều làm việc này một cách thường xuyên.
Khi thấy cần dạy trẻ điều gì đó, tôi hay nói: “Bố cần 30 giây để chia sẻ vài điều với con. Con sẵn sàng lắng nghe bố nói chứ?”. Và bạn biết không? 9/10 lần, tụi nhỏ chăm chú lắng nghe và ‘tâm phục, khẩu phục’ lời tôi dạy chúng.
Tôi thường kết thúc bài thuyết giáo 30 giây bằng câu nói: “Ồ được rồi, đó là tất cả những điều bố muốn con nghe. Bố muốn biết suy nghĩ của con vào sáng hôm sau khi con đã cân nhắc kỹ và sẵn sàng nói chuyện”.
Đôi khi, con quậy nghịch, tôi cũng nóng mặt và muốn phạt ngay nhưng thật may, tôi đã kìm chế được. Hoặc đôi khi, câu chuyện của bố con tôi cũng có chút trục trặc nhỏ nhưng hầu như cuộc trò chuyện thường diễn ra rất suôn sẻ và cởi mở.
3. Đừng can thiệp vào mọi chuyện
Tôi đã mất hàng năm trời để hiểu ra nguyên tắc này. Đừng can thiệp vào mọi chuyện! Thật không dễ để làm điều này! Vì ông bố nào cũng thích 'sửa chữa' và giải quyết mọi thứ.
Có hàng ngàn những lý do ‘trời ơi’ khiến nhóc nhà bạn khó chịu, tức giận như: người bạn nào đó quá xấu tính; thầy cô quá nghiêm khắc hay cảm giác bố mẹ chưa quan tâm. Tôi thường xuyên phải lắng nghe ‘hàng tỉ’ những rắc rối con gặp phải mỗi ngày. Và tôi luôn muốn giúp con đưa ra những chiến lược để giải quyết nhanh nhất vấn đề đó. “Con giải quyết với bạn của con thế này…” hay “Với thầy cô, con cần đối xử thế này…” – đây là cách tôi bảo vệ con. Và ‘bài học’ tôi nhận được là các con không cần ‘chiến thuật’ tôi chỉ ra cho chúng mà cần sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
Ví dụ, khi cô con gái 13 tuổi của tôi giận dỗi với bạn học. Thấy con kêu gào, khóc lóc… tôi đã ra tay ‘ứng cứu’ và khuyên con không nên chơi với bạn đó nữa. Nhưng mấy hôm sau, tôi lại thấy 2 đứa đi ăn với nhau như chưa hề có cãi vạ. Cái sai của tôi là đã hiểu nhầm ý của con. Con gái nói chuyện giận bạn với tôi, không phải vì muốn được tôi khuyên giải nên làm gì mà là muốn được chia sẻ…
Bởi vậy, thay vì giải quyết những rắc rối thay con, hãy để chúng tự đương đầu còn ta thì ở sau ‘yểm trợ’ khi cần.
Tác giả Jim Higley Theo eva