-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chủng loại thực phẩm và cách cho ăn
Friday, 18/12/2020
Thức ăn bổ sung nên phù hợp với sự phát triển chức năng hấp thụ thức ăn và ham muốn ăn của trẻ trong một phạm vi phù hợp.
Trẻ sơ sinh vào lúc bắt đầu ăn bổ sung (khoảng 6 tháng tuổi) chưa thể ăn được thức ăn rắn. Lúc đầu, ta cho ăn mỗi ngày một lần thức ăn lỏng ở mức có thể nuốt luôn vào trước bữa sữa mẹ hoặc sữa bột. Thường là cho bột rau quả tươi (qua lưới lọc) hoặc cháo loãng khoảng 1 thìa canh. Nếu trẻ ăn hết ngay, bạn hãy khen nhiệt tình. Sau đó cho trẻ uống sữa mẹ và sữa bột thỏa thích. Tiếp tục làm thế khoảng 1 tháng.
Đến khi được khoảng 7 tháng tuổi, trẻ có thể ăn được những thức ăn cứng ở mức độ có thể nghiền nát bẵng lưỡi.
Lúc này, hãy cho trẻ ăn bổ sung ngày hai lần.Thời kỳ này trẻ rất thích thú với đồ ăn, thích cầm tay chơi. Bạn hãy cho trẻ được sờ vào đồ ăn như bé thích. Cũng có thể cho trẻ mút hoặc ngậm rau tươi như cà rốt thái mỏng, miếng nhỏ và dài. Hãy tích cực cho trẻ tự cầm ăn chuối, pho mát, bánh mì,...
Thịt gà và cá thì nên làm sạch mỡ và xương, nấu chín, thái nhỏ rồi cho trẻ ăn.
Đến khi được 8 ~ 9 tháng tuổi, trẻ có thể nghiền nát thức ăn bằng răng nên bạn hãy cho trẻ thử ăn những thức ăn cứng hơn trước một chút. Lúc này, số bữa ăn bổ sung mỗi ngày vào khoảng 3 lần. Kết quả là trên 60% năng lượng cần cho một ngày được cung cấp bởi thức ăn bổ sung.
Sau khi ăn bổ sung, tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi nhưng từ độ tuổi này trở đi, lượng sữa bú sẽ giảm dần.
Sau khi được 10 tháng tuổi, trẻ đã có thể nhai bằng răng nên có thể ăn thực đơn gần giống với gia đình. Tuy nhiên, thức ăn mặn sẽ tạo gánh nặng cho thận của trẻ nên hãy chú ý nấu nhạt, ít muối.
Ngoài ra, cần chú ý không cho ăn nhiều thức ăn quá rắn, nếu không trẻ sẽ mắc tật nuốt chửng không nhai. Hãy chú ý quan sát cử động của miệng trẻ lúc đang ăn để xem trẻ có nhai hay không.
12 tháng tuổi là giai đoạn trẻ hoàn thành việc ăn bổ sung với mức ổn định là 3 bữa một ngày. Ngoài các bữa ăn bổ sung, mỗi ngày nên chuẩn bị khoảng 2 bữa ăn phụ. Số trẻ tự bỏ bú mẹ tăng nhanh trong giai đoạn này. Sau khi trẻ được 1 tuổi, mỗi ngày nên cho trẻ uống bằng cốc (ly) 300 ~ 400ml sữa bột thích hợp với độ tuổi.
Tuân theo lịch trình nhất định khi cho ăn bổ sung là rất quan trọng. Thức ăn phải ngày càng thay đổi và phong phú nhưng lại có cả những trẻ rất khó làm quen với thức ăn mới. Ham muốn ăn cũng thay đổi nên dù hôm qua ăn nhiều nhưng hôm nay chưa chắc đã ăn được như vậy. Vậy nên việc cho ăn bổ sung phải linh hoạt, lúc tăng lúc giảm.
Cho tới giữa giai đoạn ăn bổ sung, mức độ dinh dưỡng của thức ăn bổ sung không phải là vấn đề quan trọng lắm. Nếu trẻ bú sữa mẹ đủ và tăng cân bình thường thì không có gì đáng lo ngại về sức khoẻ.
Hãy cho trẻ ăn bổ sung từng bước phù hợp, không nên nóng vội.Khi không có thời gian chế biến thức ăn bổ sung, bạn có thể sử dụng thức ăn chế biến sẵn. Hãy đọc kỹ thông tin về chất lượng sản phẩm, tránh những thức ăn có chất phụ gia như màu thực phẩm, hương liệu, nhiều đường, muối; hãy chọn thức ăn phù hợp với giai đoạn ăn bổ sung của con bạn. Sau khi mở bao gói, hãy dùng hết trong vòng 24 giờ.
Thức ăn bạn không được cho trẻ ăn là mật ong. Trong mật ong đôi khi có lẫn độc tố do khuẩn botulinus tiết ra có khả năng gây ngộ độc. Sau khi hệ vi khuẩn trong ruột đã tương đối hoàn thiện vào năm 2 tuổi thì trẻ có thể ăn mật ong nhưng trong giai đoạn trẻ nhỏ, mật ong không chỉ có nguy cơ gây chứng khó nuốt, khó phát âm, khó thở, sụp mi mắt mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ghi Chú :
Hệ vi khuẩn đường ruột
Sau khi sinh ít lâu, vô số vi khuẩn bắt đầu sinh nở trong ruột, gọi chung là hệ vi khuẩn trong ruột. Loại và số lượng của các vi khuẩn tạo thành hệ vi khuẩn trong ruột khác nhau tùy theo độ tuổi và các cơ quan tiêu hóa. Trong số đó, vi khuẩn yếm khí như vi khuẩn bifidus, lactobacillus, v.v. có tác dụng trong tổng hợp vitamin và chất đạm, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, chuyển hóa axít mật, kiểm soát vi khuẩn lạ vào ruột, v.v. nên được gọi là vi khuẩn có lợi trong ruột.
Sưu Tầm