Mách mẹo dụ con ăn nhanh “thành thần”

Mách mẹo dụ con ăn nhanh “thành thần”

Friday, 18/12/2020

Có con lười ăn là nỗi ám ảnh của tất cả các bà mẹ. Lỗi của chị em, không phải là có con biếng ăn, mà lỗi to nhất, theo tôi, đó là để con biếng ăn mà không chịu khắc phục. Đừng nói con “nó lười ăn thế thì biết làm thế nào?”. Tôi sẽ chỉ cho chị em cách “làm thế nào” để biến một đứa trẻ lười ăn trở nên mê mệt chuyện ăn uống. 

Cho con tham gia vào việc chuẩn bị đồ ăn

Không phải là phán suông. Một nghiên cứu của Canada tôi đã đọc được cho biết, trẻ thường xuyên được tự tay chuẩn bị bữa ăn, nấu nướng hay đi chợ cùng mẹ sẽ ăn được nhiều hơn ít nhất 10% so với các bé khác. Vì vậy, tôi đề xuất:

Đưa con đi chợ, đi siêu thị cùng mẹ: Tôi hay thường đi mua đồ ăn buổi sáng cùng con. Chỉ cho bé các loại rau củ và thịt ngoài chợ. Hỏi ý kiến bé xem “hôm nay nên mua gì bây giờ con nhỉ?”, “Mẹ cần 1 món thịt, 1 món xào, 1 món canh. Chíp gợi ý cho mẹ xem nào” hay “Chíp để ý tìm cho mẹ hàng bắp cải nhé. Hôm nay mẹ làm bắp cải cuốn thịt đấy”. Thường con gái tôi sẽ rất hào hứng vì được quyết định thực phẩm ăn uống trong ngày. Thêm vào đó, bé cũng học được một só nguyên tắc ăn uống cơ bản như: một bữa ăn cần có bao nhiêu món, món rau này nên kết hợp xào với thịt gì, có cần cà chua hay hành, tỏi không…

Để con cùng mẹ nấu bếp: Tôi tìm mua được mấy chiếc rổ con xinh xinh và một cái kéo mini dành cho trẻ con. Từ đó, tôi hay nhờ con nhặt rau, dùng kéo cắt hành, đập trứng, đánh trứng hay nhúng thịt vào bột để giúp mẹ làm thịt chiên xù….

- Thỉnh thoảng “bày vẽ” một chút: Làm caramel, sữa chua, váng sữa, bánh trôi hay bánh pizza, đậu phụ “homemade” ngày nay đã không còn quá khó. Cuối tuần tôi thường rủ Chip làm cùng. Hiếm khi bé lại chê món ăn do chính mình làm ra. Đúng không nào

Mách mẹo dụ con ăn nhanh “thành thần” - 1
Hiếm khi bé lại chê món ăn do chính mình làm ra (ảnh minh họa)

Nói chuyện về dinh dưỡng với con

Nghe có vẻ khô khan nhưng chiêu này hiệu nghiệm không ngờ. Cứ đến bữa ăn, khi gắp món gì ăn, tôi thường giả vờ thản nhiên nói thêm lý do vì sao tôi ăn. Ví dụ “ăn miếng trứng cho nhiều canxi, tránh loãng xương thôi!”, “Ăn rau cho đỡ táo bón nào” hay “dạo này đãng trí quá, ăn cá cho nhiều Omega 3 thông minh”. Những thói quen như vậy dần tác động vào trí óc của con gái tôi. Trẻ con rất thích bắt chước. Vậy là, vào một ngày đẹp trời, trong bữa ăn, tôi lại nghe thấy cô con gái 3 tuổi líu lo “Mẹ, mẹ để miếng cà chua đấy cho con. Ăn cà chua cho đẹp da nào” rồi hí hửng bỏ tọt quả cà chua bi vào miệng như thể vừa ăn “linh dược” hoặc uống tì tì hết cả cốc sữa to để “cho người thơm mùi sữa mẹ ạ” rất điệu đà đáng yêu.

Không được “bất công trong ăn uống”

Bắt ép con phải ăn thứ bé không thích là không nên. Khi bữa ăn trở thành một sự “bất công” thì không trẻ nào muốn hợp tác. Gợi ý của tôi là:

- Luôn chuẩn bị hai món rau một lúc cho con chọn, một là loại rau con chưa ăn hoặc không thích ăn. Loại rau kia là loại bé thích. Như vậy, tôi luôn đảm bảo con sẽ chọn 1 trong 2. Trẻ cũng sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn. Có thể bé sẽ chỉ ăn loại rau bé thích. Nhưng cứ ăn liên tục vài bữa, tự khắc con sẽ muốn đổi vị cho chính mình.

- Không nói với con những từ ép buộc như “Ăn nhanh lên”, “Ăn hết đi” hay “Ngồi yên một chỗ ăn đi”.  Những khi con tôi nếm thử một món mà không thích chúng, tôi tôn trọng cảm nhận của con. Vậy nhưng nếu con chưa thử đã chê, điều đó lại không được chấp nhận. Đó là công bằng.

Những chuyến “thám hiểm” trong ăn uống

Khoan đừng có nhầm lời khuyên của tôi thành chuyện ăn rong. Ý của tôi là, khi trẻ được đi chơi và ăn uống ở những nơi không phải là phòng ăn quen thuộc, bé sẽ hào hứng hơn. Đó cũng là những kỷ niệm đẹp của bé, để bé mê mẩn hơn với việc ăn uống. Vậy làm sao cho khéo, tôi xin gợi ý: Hãy kiếm một cái bản đồ, hàng ngày chỉ cho bé về một địa danh trên đó. Nói với con về văn hóa, truyền thống, những điều thú vị và đừng quên mô tả thật “chảy nước miếng” về ẩm thực ở đó. Sau đó, một ngày cuối tuần đẹp trời, mẹ hãy dẫn con đi ăn: từ món phở của người Hà Nội, món bánh xèo của xứ Huế, bún bò của Nam bộ đến những nhà hàng Hàn Quốc, Nhật, Ý, Thái, Trung Quốc…. Dần dà, trẻ sẽ trở nên rất thích ăn uống và kiến thức đời sống cũng thêm dày hơn. Tuy nhiên, đừng cho con ăn hàng quá nhiều. Hãy để dành chúng thành những gì đặc biệt và hiếm hoi. Phần còn lại, mẹ có thể cùng nấu ở nhà với con.

Nguồn eva

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: