Mang thai ở độ tuổi 20 – 30 – 40 và những điều bạn cần biết

Mang thai ở độ tuổi 20 – 30 – 40 và những điều bạn cần biết

Friday, 18/12/2020
Không có thời điểm nào được cho là “tốt nhất” để có thai nhưng khi bạn muốn có con, cần lưu ý những thông tin sau để bạn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh và viên mãn.

Mang thai ở độ tuổi 20

Về mặt thể chất, độ tuổi 20 là lứa tuổi lý tưởng cho việc mang thai vì cơ thể của bạn lúc này rất dễ thích nghi với những thay đổi khi mang thai. Cụ thể:
• Bạn sẽ có nguy cơ thấp nhất với các biến chứng khi mang thai như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp mãn tính và tiền sản giật.
• Con của bạn ít có nguy cơ mắc phải hội chứng Down hoặc dị tật nứt đốt sống hơn. Ở độ tuổi 25, rủi ro một phụ nữ mang thai có con bị hội chứng Down là 1/1.250 và khi bạn 35 tuổi là 1/378.
• Sau khi sinh, bạn sẽ mau lấy lại sức và có nhiều năng lượng hơn để có thể chăm sóc và thích nghi với từng giai đoạn phát triển của bé.

Về mặt tâm lý, lúc này hôn nhân là một điều rất mới mẻ đối với bạn, ngoài ra bạn lại mới bắt đầu cho sự nghiệp của mình và nhiều bạn bè xung quanh vẫn chưa có con… Vì vậy, lúc này bạn có thể có những phản ứng như:
• Tìm kiếm sự hỗ trợ cảm xúc từ những người sắp làm mẹ khác để bạn có thể cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc mà bạn đang có và những gì bạn cần chuẩn bị cho nó.
• Bối rối đối mặt với việc làm thế nào để có thể sắp xếp ổn thỏa giữa công việc và gia đình. Bạn sẽ “gồng mình” để cố gắng làm cả hai hoặc sẽ trì hoãn sự nghiệp hay việc học của bạn lại?
• Một em bé ra đời có thể khiến cho vợ chồng mới cưới dễ bị căng thẳng và một khi bé ra đời, vợ chồng bạn sẽ rất bận rộn, liệu có còn thời gian dành cho nhau nữa không?

Mang thai ở độ tuổi 30

Về mặt thể chất, bạn có nguy cơ mắc phải một số biến chứng nhất định cao hơn. Tuy nhiên, với đa số những phụ nữ khỏe mạnh, họ vẫn có thai bình yên ở độ tuổi này. Dưới đây là những thông tin bạn cần lưu ý:
• Bạn có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật cao hơn cũng như bé của bạn dễ bị mắc hội chứng Down hoặc những bất thường nhiễm sắc thể khác. Từ 30 đến 35 tuổi, tỉ lệ thai phụ phát hiện bị bất thường nhiễm sắc thể là 1/200, tương đương với nguy cơ bị sảy thai từ việc chọc ối. Chính vì vậy, bác sỹ chỉ yêu cầu chọc ối cho những sản phụ trên 35 tuổi.
• Nếu bạn cần đến sự can thiệp của một số phương pháp điều trị để có thể thụ thai, bạn sẽ có nhiều khả năng mang đa thai hơn những phụ nữ thụ thai tự nhiên.
• Có nhiều khả năng bạn sẽ sinh mổ vì lúc này sức khỏe của bạn có thể không đủ đảm bảo để sinh thường. Với những sản phụ ở độ tuổi 20, các bác sĩ có xu hướng kiên nhẫn hơn với việc sinh theo ngả âm đạo và ít có khuynh hướng làm phẫu thuật.

Về mặt tâm lý, phụ nữ ở độ tuổi 30 thường cảm thấy sẵn sàng hơn cho việc làm mẹ và bạn nên biết những điều sau đây:
• Nếu đây là em bé đầu tiên của bạn, bạn đã có đủ thời gian dành cho bản thân, cho cuộc hôn nhân và bạn đã hoàn thành một số mục tiêu nhất định cho sự nghiệp, bạn nên nghỉ ngơi và dành thời gian cho em bé nhiều hơn.
• Nếu bạn quan tâm xem những phụ nữ khác mang thai như thế nào, bạn có thể tham gia vào các diễn đàn, tổ chức có liên quan và việc này sẽ không quá khó khăn.
• Hôn nhân của bạn đang ở trên một nền tảng vững chắc, điều này giúp bạn vững vàng và tự tin hơn vào bản thân cũng như trong các mối quan hệ khác của bạn một khi có con.

chuan bi mang thai 2

Dù ở độ tuổi nào, việc trao đổi với các bà mẹ khác luôn có ích

Mang thai ở độ tuổi 40

Về mặt thể chất, phần lớn các bà mẹ lớn tuổi có thai đều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ mắc biến chứng tăng lên sau tuổi 40.
• Nếu bạn mang đa thai, nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân sẽ tăng.
• Nguy cơ bào thai chứa nhiễm sắc thể bất thường tiếp tục tăng lên. Ở tuổi 40, tỷ lệ em bé ra đời mắc hội chứng Down là 1/106.
• Nếu bạn có sức khỏe tốt, có một chế độ dinh dưỡng tốt và không mắc một số bệnh trước khi mang thai như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp … thì nhìn chung, nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ sẽ không quá cao sao với độ tuổi 20 hoặc 30 tuổi .

Về mặt tâm lý, chắc chắn bạn đã chuẩn bị rất tốt để có em bé vào thời điểm này, đặc biệt nếu bạn kết hôn muộn hoặc nếu bạn đã trải qua nhiều năm điều trị để có thể mang thai. Dưới đây là một số điều bạn có thể mong đợi:
• Sự tự tin và cứng cáp của bạn trong cuộc sống có thể giúp bạn kiên nhẫn hơn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
• Khi bạn đã chờ đợi quá lâu và đầu tư tài chính khá nhiều để có thể mang thai, bạn sẽ có khuynh hướng đặt nặng vai trò làm mẹ của mình. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng “nhân vô thập toàn” và không ai có thể là một người mẹ hoàn hảo 100%.
• Có thể bạn sẽ không có nhiều bạn bè có con nhỏ ở giai đoạn này, do đó, đừng ngần ngại kết bạn với các bà mẹ trẻ. Khi con cái là mối quan tâm hàng đầu và là câu chuyện được bàn đến nhiều nhất thì vấn đề tuổi tác không có ý nghĩa gì lúc này.

Nguồn baby.marry

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: