Nhận biết & kiêng chuẩn khi trẻ bị sởi

Nhận biết & kiêng chuẩn khi trẻ bị sởi

Friday, 18/12/2020

Thông tin về dịch sởi lan truyền trên Internet khiến không ít bà mẹ có con nhỏ lo lắng. Nhiều câu hỏi như: Làm sao xác định chính xác bệnh sởi, cách phòng tránh, chế độ ăn uống, chăm sóc sẽ được bác sĩ Bạch Huệ giải đáp. Mời bạn đọc theo dõi.

Hỏi: Xin bác sĩ cho tôi biết các dấu hiệu của bệnh sởi, làm sao để xác định chính xác bệnh sởi? Khi bị sởi cần kiêng những gì? Chế độ ăn uống như thế nào? 

Thanh Hà, TP HCM (mayxanh…@gmail.com)

Trả lời: Chị Thanh Hà mến! Các dấu hiệu biểu hiện của bệnh sởi như sau:

- Sốt kèm dấu hiệu viêm long như: ho, sổ mũi, mắt đỏ.

- Nổi nốt Koplix (nốt trắng kích thước nhỏ bằng đầu kim ở niêm mạc má vùng răng hàm) thường xảy ra trước hay ngay ngày đầu ra ban và biến mất sau 24 đến 48 giờ

- Xuất hiện hồng ban, đầu tiên ở mặt sau đó lan đến thân và tay chân.

- Hồng ban sẽ thâm lại khi ban bay, để lại những vết thâm trên da được gọi là vết hằn da hổ, da có thể bong tróc nhẹ.

Trong giai đoạn này trẻ có thể xuất hiện các biến chứng kèm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, loét miệng, viêm não, mờ giác mạc, thở rít do viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng.

Thường chẩn đoán có thể trên lâm sàng là:

- Trẻ sốt và hồng ban toàn thân.

- Kèm một hay nhiều dấu hiệu: ho, chảy mũi, mắt đỏ.

Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định sởi phải có 3 yếu tố: sốt, phát ban và tìm thấy kháng thể IgM kháng vi-rút sởi trong máu.

Khi trẻ bị sởi nên:

- Bổ sung vitamin A (liều lượng theo tuổi và chỉ định của bác sĩ)

- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi nhiệt độ trẻ trên 38,5oC

- Có thể cho uống thuốc giảm ho thông thường như: Astex, Pectol.

- Đặc biệt nên cho trẻ ăn chế độ bồi dưỡng (không nên kiêng cử), nên chia nhỏ khẩu phần ăn để dễ tiêu hóa và đủ lượng đủ chất. Nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu trẻ còn bú.

- Nên cho trẻ ở nơi thoáng mát, khô ráo. Tắm rửa, vệ sinh thân thể (răng, miệng, hậu môn, sinh dục) hàng ngày để phòng ngừa bội nhiễm.

Nhận biết & kiêng chuẩn khi trẻ bị sởi - 1
Sốt và hồng ban toàn thân là dấu hiệu trẻ bị sởi (Ảnh minh họa).

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ nếu đã bị sởi rồi có bị lại nữa không?

Chinh, Long Thành – Đồng Nai

Trả lời: Nếu trẻ bị sởi rồi thì sẽ không bị lại nữa.

Tuy nhiên, cần phải chẩn đoán xác định chính xác lần bị sởi trước. Chẩn đoán xác định bệnh sởi bao gồm: sốt + phát ban + có kháng thể IgM kháng vi-rút sởi trong máu.

Hỏi: Con tôi do lúc 9 tháng hay bị bệnh nên chưa chích mũi sởi đơn, đến 12 tháng bé chích mũi tổng hợp sởi – quai bị - rubela, giờ con tôi được 2 tuổi cháu có cần chích bổ sung mũi sởi hay chích mũi tổng hợp, 4 tuổi bé cần chính nhắc lại nữa không bác sĩ.

Trương Xuân Quang, TP HCM (tq…@yahoo.com)

Trả lời: Chào anh Quang! Con anh không tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, nhưng đã tiêm mũi tổng hợp Sởi – Quai bị - Rubella lúc 12 tháng tuổi như vậy là đủ, không cần chích bổ sung mũi sởi đơn. Nhưng cần cho bé tiêm nhắc mũi tổng hợp Sởi – Quai bị - Rubella lúc bé 4 tuổi đến 6 tuổi anh ạ. Cám ơn anh.

Hỏi: Tôi rất lo lắng trước thông tin về dịch sởi đang bùng phát, xin hỏi bác sĩ làm thế nào để phân biệt sốt virut, phát ban và sởi. Có phải bị sởi thì phải tránh gió và không được tắm hay ko

Nguyễn Thu Hải, Bình Dương (hain…@gmail.com)

Trả lời: Chị Thu Hải mến! Bệnh sởi trên lâm sàng biểu hiện bởi các triệu chứng: sốt, phát ban toàn thân và kèm theo một hay nhiều các triệu chứng ho, sổ mũi nước và mắt đỏ. Khi ban lặn để lại những vết thâm trên da được gọi là vết hằn da hổ, da có thể bong tróc nhẹ.

Chúng ta cần phân biệt bệnh sởi với một số bệnh khác như sau:

- Ban do siêu vi khác: ban không xuất hiện toàn thân, không kèm ho, sổ mũi hay đỏ mắt. Ban xuất hiện nhanh và biến mất nhanh.

- Ban nhiệt (nhân gian còn gọi rôm sảy): xuất hiện ở các vùng nếp gấp, ban có kèm mụn mũ.

- Sốt tinh hồng nhiệt (Scarlatine): ban thường đỏ bầm toàn thân; khi ban bay gây tróc vẩy, tróc da nhất là ở đầu ngón tay.

- Ban dị ứng: nổi đột ngột khi tiếp xúc với dị nguyên (thuốc, tôm, cá….) thường nổi mẫn ngứa toàn thân, không có biểu hiện viêm long.

- Ban trong bệnh Kawasaki: bệnh nhi sẽ sốt cao, có hạch cổ, họng đỏ, phù lòng bàn tay – bàn chân, bong da lòng bàn tay – bàn chân trong giai đoạn trể, siêu âm tim có thể thấy dấu dãn mạch vành, tiểu cầu máu tăng.

Hỏi: Con tôi hiện nay đã 3,5 tuổi, cháu đã chích mũi sởi - quai bị - rubela lúc 18 tháng. Tôi nghe nói phải chích đủ 2 mũi sởi thì mới đủ, xin hỏi bs trường hợp của con tôi nếu bây giờ chích bổ sung có được không? Tôi rất lo khi dịch sởi đang bùng phát nên ko dám cho cháu đi học vì tôi nghe nói sởi rất dễ lây. Xin hỏi bs sởi lấy bằng những con đường nào và cách phòng tránh hiệu quả.

Trần Thu Trang, TP HCM (trangthu...@yahoo.com.vn)

Trả lời: Chị Thu Trang mến, con chị đã chích mũi Sởi – Quai bị - Rubella lúc 18 tháng tuổi, chị nên cho bé tiêm nhắc theo lịch lúc bé 4 tuổi đến 6 tuổi.

Bệnh sởi lây lan theo đường hô hấp, dịch tiết từ mũi, mắt.

Phòng ngừa bằng cách:

- Không tiếp xúc với trẻ bị sởi.

- Không dùng chung khăn, đồ dùng, quần áo…

- Cách phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay vẫn là chủng ngừa vaccine sởi.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có vaccine nào phòng ngừa được bệnh 100% cả. Nếu trẻ đã được tiêm mũi sởi đầu tiên, trẻ có thể phòng ngừa bệnh được 80% – 90% . Nếu trẻ đã được tiêm mũi sởi thứ hai, trẻ có thể phòng ngừa được đến 95%.

Tư vấn bởi BS Nguyễn Bạch Huệ

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Quốc tế Thành Đô

Nguồn eva

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: