Nhận biết trái cây Trung Quốc

Nhận biết trái cây Trung Quốc

Friday, 18/12/2020

 

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - TP.HCM, trái cây ngoại chiếm khoảng 15-20% tổng lượng trái cây về chợ, 50% trong đó là hàng TQ. Trái cây TQ cũng thu hoạch theo thời vụ và về Việt Nam rộ theo mùa. Hiện đang vào mùa hồng, lựu nên 2 mặt hàng này về nhiều nhất. Riêng táo, lê thì về thường xuyên quanh năm.

 

Do được dùng nhiều chất kích thích, bảo quản nên hầu hết trái cây TQ có kích thước đều đặn, láng bóng và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Để ý kỹ, người tiêu dùng có thể phân biệt trái cây TQ và trái cây xuất xứ từ các nơi khác qua những đặc điểm sau:

Cam: Cam Vinh trái tròn, nhỏ, có màu xanh vàng, vỏ thường bị nám. Cam TQ trái to, có màu vàng tươi, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt; múi có mùi úng.

Quýt: Quýt TQ vào Việt Nam được quảng cáo là quýt nội. Quýt TQ vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám.

 

Lựu: Lựu Việt Nam trái nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh. Lựu TQ to, tròn, vỏ mỏng, màu trắng hồng.

 

Nho: Nho TQ to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Mỹ vỏ sậm hơn, thuôn dài, vị ngọt, giòn, rất ít hoặc không có hạt. Nho Phan Rang (Ninh Thuận) quả nhỏ, chùm ngắn, màu xanh tươi.

 

Táo: Táo TQ quả tròn, bọc trong lưới xốp, khi bóc ra có hạt mịn như phấn bám trên vỏ (do hóa chất bảo quản bị bay hơi). Táo New Zealand, Mỹ hơi vuông, góc cạnh...

 

Hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ thời gian dài trong quá trình vận chuyển. Tốt nhất, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon; mua trái cây đúng mùa (vì trái cây trái vụ thường phải "xử lý" chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nhiều hơn). Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ.

(Theo NLĐ)

Hóa chất có trong nho, lựu gây vô sinh


Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vừa lấy mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc kiểm nghiệm và phát hiện chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần.

Đây là những chất diệt nấm sử dụng trong bảo quản trái cây mà nếu dùng vượt quá mức cho phép có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khoẻ.

Diệt nấm, diệt cả sức khoẻ người dùng

Carbendazim và tebuconazole đều là hóa chất diệt nấm trên rau củ quả. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, được tìm thấy là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột thí nghiệm và chuột đồng. Ở Nhật Bản, khi thử nghiệm hóa chất carbendazim trên các loài chim trưởng thành và có hoạt động tình dục, cho thấy, khả năng gây vô sinh ở những con chim tiếp xúc kéo dài với carbendazim.

Đối với benomyl kích ứng da có thể xảy ra thông qua tiếp xúc với benomyl trong công nghiệp, trồng hoa, hái nấm. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho chó ăn benomyl trong khẩu phần ăn trong ba tháng cho thấy thay đổi chức năng gan ở liều cao nhất (150mg/kg). Khi tiếp xúc thời gian dài với hóa chất gây tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ phân loại benomyl như là hợp chất có thể gây ung thư. Hai năm nghiên cứu thử nghiệm qua chuột đã cho thấy nó có thể gây gia tăng các khối u gan. Bộ Nông nghiệp Thủy sản và Thực phẩm của Anh cũng đưa ra quan điểm này và cho rằng benomyl mang lại hiệu ứng độc cho gan. Ngoài ra, nó còn gây dị tật bẩm sinh, nếu người mẹ tiếp xúc với một liều cao bất thường của benomyl thông qua nghề nghiệp của mình trong thời gian mang thai thì ảnh hưởng đến sự hình thành của các dây thần kinh thị giác ở thai nhi.

Thuốc diệt nấm tebuconazole được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Đồng thời, văn phòng cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng, tebuconazole được liệt kê như là một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư với đánh giá thuộc loại C.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới phân loại độc tính, tebuconazole được liệt kê thuộc độc tính nhóm 3. Do khả năng tác dụng phá vỡ nội tiết của tebuconazole, nên hóa chất này được xem xét loại bỏ ra khỏi thị trường châu Âu. 
 

Một người dân đang chọn mua lựu có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hoa quả độc nhưng tiêu thụ... rất nhanh

Mặc dù biết những tác hại của chất diệt nấm thực vật với sức khoẻ con người, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên các chủ hàng vẫn sẵn sàng sử dụng hóa chất với nồng độ vượt mức cho phép để bảo quản rau củ quả, nhất là đối với rau, quả nhập từ Trung Quốc.

Dù cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng hiện nay trái cây Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường nước ta, không chỉ ở các chợ, lề đường mà còn có cả trong các siêu thị như bắp cải, khoai tây, táo, lê, lựu... Những loại hàng này độc nhưng lại tiêu thụ nhanh, bởi biết cách đánh vào thị hiếu người tiêu dùng là giá rẻ và hình thức bắt mắt.

Nguyên tắc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy trình quy phạm, phải có thời gian phân hủy thuốc, rã thuốc. Nói chung với các hóa chất đều có quy định thời gian phun và thu hoạch. Nên sử dụng những chế phẩm diệt nấm thành phần thiên nhiên thân thiện môi trường và thân thiện sức khoẻ con người như các chế phẩm, keo chế từ vỏ tôm cua để phun bảo quản trái cây...

Còn khi hoa quả bị bệnh nặng thì mới nên dùng những thuốc diệt trừ sâu có nồng độ cao, nhưng tuyệt đối phải tuân thủ đúng quy tắc phun thuốc và thời gian thu hoạch bán ra thị trường.

Không chỉ có mặt tại các chợ mà những loại quả như nho, lựu, mận đen… bị phát hiện chứa quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật còn có mặt trên những xe hàng rong ở nhiều ngả đường trong thành phố. Người bán cũng không ngại giới thiệu: “Đây là trái cây Trung Quốc”, bao bì bọc trái cây cũng in chữ Trung Quốc. Dọc con đường từ Phan Văn Trị tới Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM, đường Trường Chinh (quận Tân Bình)… lũ lượt xe hàng rong lớn nhỏ bán mận tươi với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, lựu tươi còn trong vỏ xốp giá 25.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại trắng và hồng.

(Theo Kienthuc)

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: