-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những giai đoạn phát triển thai kỳ ! (Mang thai tuần thứ 8)
Friday, 18/12/2020
Mang thai tuần thứ 8
1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?
Dù bề ngoài không có vẻ thay đổi nhưng nhiều thay đổi đã diễn ra khắp cơ thể bạn. Trước khi bạn có thai, tử cung có kích thước khoảng bằng nắm tay, nhưng giờ thì nó khoảng bằng quả bưởi. Bạn có thể đã nhận thấy những thay đổi ở ngực. Hai vú có thể mềm và nhạy cảm hơn bình thường. Điều này là hoàn toàn tự nhiên vì cơ thể bạn đang chuẩn bị cho thời kỳ tiết sữa. Một thay đổi nữa đã diễn ra mà có thể bạn không nhận thấy là lượng máu đã tăng 40 đến 50 phần trăm.
2. Bé thay đổi thế nào?
Tất cả những gì có ở một người lớn thì bây giờ cũng có trong phôi. Đôi tai tiếp tục hình thành cả bên trong lẫn bên ngoài. Xương bắt đầu hình thành, và các cơ có thể co lại. Ngón chân và ngón tay có màng nhưng đang mọc dài hơn. Các đường nét trên mặt tiếp tục phát triển. Đầu mũi hiện diện và mí mắt cũng đã phát triển hơn. Cuống rốn đang dần biến mất, và cơ thể của bé bắt đầu duỗi thẳng ra.
Khi giới tính của bé đã được xác định, bộ phận sinh dục ngoài vẫn còn đang hình thành và không thể thấy rõ lắm. Bé đang ở cuối giai đoạn phôi và bắt đầu giai đoạn bào thai.
3. Bé to chừng nào?
Phôi dài khoảng 2,5cm và có kích thước chừng hạt đậu.
4. Tuần thai này bạn nên làm gì?
Bạn có thể đi khám trước khi sinh lần đầu, hay có thể chờ một vài tuần nữa. (Khám trước khi sinh lần đầu tiên thường vào tuần 8 đến 12 từ chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn). Nếu bạn chưa đi khám sức khỏe trước khi có thai thì lần khám này có thể là một trong những kỳ khám lâu nhất của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về những vấn đề sức khỏe trước đây của bạn bao gồm:
• Những vấn đề về y tế
• Ngày của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng
• Các phương pháp kế hoạch hóa
• Việc phá thai và/ hoặc sẩy thai
• Nhập viện
• Thuốc bạn dùng hay bị dị ứng
• Bệnh sử của gia đình bạn
Bạn cũng có thể được yêu cầu:
• Kiểm tra sức khỏe với một thử nghiệm sinh thiết cổ tử cung, cấy mô cổ tử cung và siêu âm
• Hỏi về bất kỳ vấn đề nào bạn quan tâm
5. Để thai kỳ thoải mái hơn
Trong khi có mang một số phụ nữ bị da dầu và mụn trứng cá. Nếu bạn mua thuốc không cần kê toa để điều trị, bạn nhất thiết phải biết thành phần thuốc. Nếu thắc mắc về tính an toàn của một loại thuốc nào đó trong khi có thai, tốt nhất hãy tham vấn ý kiến bác sĩ hay dược sĩ.
6. Dành cho ba của bé
Nếu nuôi thú cưng, có lẽ bạn phải đảm nhiệm việc chăm sóc chúng khi vợ bạn có thai. Phụ nữ mang thai cần thận trọng với việc thay hộp vệ sinh cho mèo vì có nguy cơ tiếp xúc với bệnh ký sinh trùng toxoplasmosis. Bạn cũng có thể giúp vợ bằng cách mua hoặc chuẩn bị đồ ăn cho chó và mèo.
Sưu Tầm