Sức khỏe - Tổng quan về axit folic

Sức khỏe - Tổng quan về axit folic

Friday, 18/12/2020

Sức khỏe

 

Tổng quan về axit folic
Axit folic (hay vitamin B9) giúp cho sự phát triển tế bào và giúp tạo DNA và protein. Axit folic rất quan trọng đối với sự phát triển của bào thai, nó cần thiết cho sự phân chia tế bào để tạo mô và các cơ quan của phôi thai và thai nhi. Folate và axit folic là hai dạng khác nhau của cùng một loại vitamin B, có thể dùng thay thế cho nhau. Tuy nhiên có một vài điểm khác nhau giữa chúng. Folate là dạng vitamin B tìm thấy ở tự nhiên trong thức ăn. Axit folic thì không có trong các nguồn thức ăn tự nhiên. Axit folic là dạng vitamin B tổng hợp dùng trong việc bổ sung vitamin và được thêm vào trong một số loại thực phẩm bổ sung vitamin. Axit folic tổng hợp dễ hấp thụ hơn folate trong thức ăn tự nhiên.
Tại sao axit folic lại quan trọng ?
Axit folic rất quan trọng vì nó có thể giúp phòng tránh những khiếm khuyết chính về não và xương của trẻ sơ sinh (trẻ sinh ra bị thiếu một phần não, sọ hay phần đầu và tật nứt đốt sống) tới 50-70%. Tật nứt đốt sống gây ra hậu quả nghiêm trọng cho trẻ như: não úng thủy, liệt, tiêu tiểu không tự chủ, viêm não, trẻ đần độn…
Axit folic giảm nguy cơ bị tật nứt đốt sống và thiếu não là hai loại quan trọng nhất của khiếm khuyết ồng thần kinh (NTDs). NTDs là khiếm khuyết sơ sinh xuất hiện sớm ở giai đoạn mang thai. Khiếm khuyết bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 17 tới ngày thứ 30 sau khi đậu thai (4 đến 6 tuần sau ngày đầu mất kinh), thường là trước khi người phụ nữ biết mình có thai. Axit folic thuộc dạng vitamin bổ sung và được sử dụng một tháng trước khi đậu thai và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, nó đã được chứng minh là gỉam nguy cơ một em bé sinh ra bị ảnh hưởng bởi khiếm khuyết ống thần kinh đến 70%. Axit folic cần cho việc sản xuất DNA, cần cho việc phát triển tế bào để tạo nên các mô và cơ quan của thai nhi trong giai đoạn sớm thời kỳ mang thai. Đó là lý do tại sao axit folic quan trọng đối với phụ nữ cần có đủ axit folic cả trước và trong suốt thời gian mang thai.
Phụ nữ cần lượng axit folic bao nhiêu?
Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần tiêu thụ 400 mcg axit folic mỗi ngày. Năm 1992, Cục y tế công cộng Hoa Kỳ (PHS) khuyến nghị rằng tất cả phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tiêu thụ 400 mcg axit folic mỗi ngày để giảm nguy cơ bị khiếm khuyết ống thần kinh trong khi mang thai. Phụ nữ mà đã có thai bị khiếm khuyết ống thần kinh, PHS đề nghị tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng một lượng lớn hơn axit folic (4000 mcg) bắt đầu một tháng trước khi đậu thai và tiếp tục trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ. Vào 1998, Viện Y học Hoa Kỳ (IOM) đề nghị rằng để giảm nguy cơ bị khiếm khuyết ống thần kinh trong thời kỳ mang thai, những phụ nữ có khả năng mang thai nên uống 400 mcg axit folic tổng hợp mỗi ngày, từ những thức ăn bổ sung hoặc viên bổ sung hoặc kết hợp cả hai, hoặc ăn những thức ăn có chứa folate từ các khẩu phần ăn đầy đủ.
Khi nào thì bắt đầu sử dụng axit folic?
Phụ nữ cần bắt đầu dùng nó ít nhất 3 tháng trước khi mang thai và trong khi mang thai.
Tuy nhiên, mỗi phụ nữ vẫn cần axit folic mỗi ngày, cho dù dự tính có thai hay không, nhằm giúp cho cơ thể tạo tế bào mới khỏe mạnh mỗi ngày.
Làm cách nào để có đủ lượng axit folic?
Sử dụng multivitamin có chứa axit folic, ăn một chén ngũ cốc có chứa đủ 100% lượng axit folic cần thiết hay sử dụng viên bổ sung axit folic, đó là tất cả các cách đảm bảo rằng bạn có đủ lượng axit folic mỗi ngày.
Có ba cách để đảm bảo rằng đủ lượng axit folic mỗi ngày là:
1. Uống một viên bổ sung vitamin (có thể là multivitamin hoặc viên bổ sung axit folic) có chứa 400 mcg axit folic mỗi ngày
2. Ăn bữa ăn sáng với ngũ cốc có chứa 100 % lượng axit folic cần thiết mỗi ngày (400 mcg)
3. Tăng tiêu thụ thức ăn chứa axit folic (ngũ cốc dinh dưỡng, bánh mì, gạo, bột mì và các loại sản phẩm thóc lúa khác) thêm vào đó là những thực phẩm chứa folate từ các bữa ăn phong phú ( nước cam và các loại rau xanh)
Không phải bất kì loại ngũ cốc nào có đủ lượng này. Nêm kiểm tra bao bì, nhãn bên ngoài vỏ hộp, để đảm bảo rằng có đủ 100% lượng axit folic cần thiết.

Vũ Nguyễn Quỳnh Anh ( Viện VS YTCC)

 

dịch từ FOLIC ACID trên trang web của CDC 

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: