-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trẻ vừa chào đời
Friday, 18/12/2020
Trẻ vừa chào đời
Trẻ vừa chào đời về cơ bản đã có đầy đủ tất cả các chức năng của người lớn như thị giác, thính giác, khướu giác, vị giác, xúc giác. Thời kỳ vừa chào đời, mỗi ngày trẻ ngủ khoảng 20 tiếng. Tỉnh dậy, trẻ bú sữa, bú xong đi đại tiện hoặc tiểu tiện rồi lại ngủ. Thêm vào đó, trẻ rất hay khóc. Trẻ thông báo tình trạng khó chịu của mình như đói, tã ướt, buồn ngủ bằng cách khóc. Nếu trẻ khóc, bạn hãy nói chuyện với trẻ, thay tã, cho bú hoặc bế trẻ. Trong thời gian đầu, bạn hãy cho trẻ bú thỏa thích bất cứ khi nào trẻ muốn, không cần giữ khoảng cách giữa các lần cho bú. Trong lúc lặp đi lặp lại quá trình "khóc - được đáp ứng", trẻ sẽ hiểu ra là nếu mình thể hiện, cha mẹ sẽ làm cho mình dễ chịu.
Khi đi qua đường sinh (ống cổ tử cung), xương đầu trẻ bị ép lại với nhau nên đầu trẻ dài và có hình bầu dục. Vòng đầu lớn hơn vòng ngực là chuyện bình thường. Nếu xoa vào đỉnh đầu trẻ, ta sẽ thấy chỗ lõm giống như vết nứt dọc. Đó là thóp. Thóp là khoảng trống giữa các khớp xương sọ với nhau và sẽ đóng kín một cách tự nhiên khi trẻ được 1 ~ 2 tuổi. Có những trường hợp trẻ bị nổi bướu mềm do bị chèn ép trong lúc đi qua đường sinh. Bướu mềm này gọi là bướu huyết thanh, sẽ tự tan trong khoảng 1 tuần. Có những trẻ bị chèn ép trong lúc đi qua đường sinh gây xuất huyết tại khoảng giữa xương đầu và màng xương tạo nên bướu. Bướu loại này sẽ khỏi trong vòng vài tháng nên không cần lo lắng. Tuy nhiên phải chú ý để bướu không bị xước da.
Chân trẻ cũng có khi bị cong hoặc vòng kiềng. Đó là biến dạng do trẻ bị chèn ép khi đang còn trong tử cung, hầu hết sẽ tự khỏi nên không cần lo lắng.
Trong 2 ~ 3 ngày sau khi sinh, da trẻ bắt đầu khô lại và khoảng 1 tuần thì bong ra. Đây là hiện tượng tự nhiên. Trong 1 ~ 3 tháng sau khi sinh, trẻ cũng hay bị phát mụn. Đó là do hoóc môn nhận từ mẹ vẫn còn trong người trẻ. Hoóc môn đó kích thích da, làm bã nhờn của da phát ra ngoài thành mụn. Những nốt mụn nhỏ màu trắng và vàng có nhiều trên mũi, má, trán trẻ sẽ biến mất trong vòng vài tuần sau khi sinh. Mụn giống như trứng cá đỏ dễxuất hiện trên má cũng là một đặc tính của trẻ sơsinh.Người ta gọi những nốt mụn này là "viêm nang lông (trứng cá) ở trẻ mới sinh". Mụn màu vàng hay xuất hiện tại đầu, chân tóc, lông mày, má có bề mặt trông như phủ một lớp mỡ nhờn là "mụn bã nhờn". Các loại mụn trên đều cần được vệ sinh sạch sẽ. Tuỳ theo tình trạng da có thể dùng xà phòng rửa bớt nhờn nhưng nếu rửa quá mức sẽ lại gây rạn da nên cần hết sức cẩn thận.
Đối với trẻ sơ sinh, nửa năm đầu là thời kỳ phát triển rõ rệt nhất. Trẻ mới sinh nặng trên dưới 3.000g, sau 2 ~ 3 tháng đã nặng khoảng 5kg, đến 5 ~ 6 tháng là khoảng 7kg, gấp 2,5 lần khi mới ra đời. Không chỉ kích thước cơ thể, các chức năng của cơ thể cũng phát triển trông thấy. Khi vừa sinh ra, trẻ chỉ phản ứng với âm thanh và ánh sáng, chỉ biết nhìn chăm chú vào khuôn mặt mẹ nhưng sau 2 tháng tuổi, trẻ đã có thể cười khi thấy vui, mẹ lại gần thè lưỡi trẻ cũng bắt chước, nghĩa là trẻ đã cảm nhận được tình cảm.
Khoảng 3 tháng tuổi trở đi, trẻ có thể ngỏng cổ, tự mình giữ vững đầu. Vào độ tuổi này còn có thể thấy trẻ đưa tay ra trước mặt nhìn ngắm chăm chú (hand-regard). Đây là chứng cứ cho thấy trẻ đã cử động được vai và cánh tay theo ý muốn.
Sau đó, trẻ phát ra những âm như "a", "u" đặc trưng của trẻ sơ sinh. Sau khi sinh 2 ~ 3 tháng, những âm này tự nhiên bật ra khi trẻ cảm thấy vui. Đây là khởi nguồn ngôn ngữ của trẻ. Cho dù không hiểu, bạn cũng nên vui vẻ đáp lại trẻ: "Con nói gì vậy?", "Thế à?". Làm như vậy sẽ khuyến khích được lòng hăng hái của trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn và ngôn ngữ cho trẻ.
Khoảng 5 ~ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết trở mình khi ngủ, có thể tự mình chuyển sang tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Ở độ tuổi này, một động tác thường thấy ở trẻ là đưa chân lên miệng như thể đang kiểm tra toàn thân. Thời kỳ này, cử động của trẻ dữ dội hơn, trẻ có thể đá chân bùm bụp xuống sàn nhưng cha mẹ không cần hốt hoảng. Đây chính là chứng cứ cho thấy trẻ đang phát triển bình thường.
Ghi Chú :
Tiếng bập bẹ
Những tiếng nói chủ yếu là nguyên âm mà trẻ phát ra từ 4 đến 10 tháng tuổi. Nhiều trường hợp trẻ bắt chước ngữ điệu của cha mẹ. Họng của trẻ sơ sinh ở vị trí cao, thuận lợi cho việc bú sữa, nên trẻ không thể phát ra tiếng bằng cách tạo âm thanh thông qua việc cọ xát thanh đới và thanh âm ở họng. Từ 3 tháng tuổi trở đi, vị trí của họng hạ xuống và mở rộng ra một chút, cũng có thể cử động lưỡi và trẻ mới bắt đầu có thể phát ra tiếng "a" "u".
Đồ thị phát triển cơ thể (Đồ thị tăng trưởng cơ thể)
Là đồ thị cho thấy tình trạng phát triển của trẻ bằng đường biểu diễn chiều cao và cân nặng của trẻ theo tháng và độ tuổi. Mức độ phát triển ở thời trẻ của từng cá nhân rất khác nhau nên nếu đường biểu diễn có lệch đôi chút so với phạm vi tiêu chuẩn thì cũng rất ít trường hợp có vấn đề ngay lập tức.
Sưu Tầm